“Ăn mày là ai?
Ăn mày là ta
Đói cơm rách áo thành ra ăn mày…”
(Ca dao)
Ba má tôi xem các clip YouTube từ thiện hàng ngày, tôi hay chen ngang: “Được bao nhiêu người là có thành tâm đâu, toàn kiếm chuyện giựt gân giựt tít câu view”.
Nghe tôi nói vậy, ông bà rầy: “Mầy có giỏi đi làm được như người ta đi rồi nói”. Rồi ba má lại bắt xem mấy cái video dựng cắt xén, liên tục quay cận mặt chất vấn người nghèo của hàng loạt kênh từ thiện muôn kiểu. Cả nhà tranh luận, có phân tích, có khen, có chê, có trách, nhưng vẫn thích xem vì đồng cảm nhiều cảnh nghèo khó, chỉ để mong san sẻ được phần nào cho các hoàn cảnh thật sự cần.
Tất nhiên tôi rất mong thái độ của những chủ kênh này thay đổi theo hướng tích cực một chút, mà rồi cũng chỉ lắc đầu ngao ngán. Mhững clip đề xuất y như thế cứ thay nhau mọc ra như nấm sau mưa – từ những YouTuber bị view và tiền làm mờ mắt, biến chất…
Làm từ thiện không dễ. Với chuyện tử tế, khi phát tâm vẫn cần chân thành không toan tính.
Nếu chỉ vì sợ người tham mà khép lòng với người nghèo, mà hạnh họe thì ai sẽ là người chịu thiệt?
Nếu chỉ vì muốn trao tặng đúng người nghèo mà hạ giá nhân phẩm của họ, còn gì là tình là nghĩa?
Nếu chỉ vì công khai minh bạch với những nhà hảo tâm, mà dí camera vào sát mặt người nghèo, chất vấn người ta như thể tội phạm, còn đâu là ý nghĩa nhân đạo của việc tặng quà?
Chúng ta vẫn có muôn vàn cách khác để làm, nhưng khéo hơn rất nhiều mà…
Của trao không bằng cách trao. Khi tâm huyết và thực sự đầu tư vào việc thiện, bằng cách này hay cách nọ, bất kể hình thức nào – tài lực, vật lực, sức lực, hay vận động quyên góp, kết nối nhà hảo tâm, viết bài kêu gọi – hãy nhớ đặt hết lòng và mục đích vào người, vào hoàn cảnh cần mình giúp và thứ họ cần nhất, có ích nhất cho qua cơn đói nghèo hiện tại, và cả đoạn đường tương lai nếu có thể…
Bạn có thể đi từ thiện rất hình thức, màu mè, có thể vì mối quan hệ, vì phát triển công việc, có thể thoải mái công khai trên mạng xã hội để lan toả tinh thần tương thân tương ái, nhưng đừng để việc thiện phục vụ cảm giác của một người ban ơn, và biến nó thành cuộc mua vui cho người khác. Không ai vui nổi đâu, sẽ ngày càng lố bịch và lộ diện chân tướng thôi.
“Nếu bạn muốn người khác và cả chính mình hạnh phúc, hãy luyện tập tâm từ bi” – Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Thời điểm này, kỉ niệm đúng một năm tôi hoàn thành khoá huấn luyện “Công tác xã hội trong bệnh viện” cho cán bộ ngành y toàn thành phố. Tôi tâm niệm, một khi đã chọn song hành công tác chuyên môn và quan hệ công chúng mình phải “luyện tập tâm từ bi” như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói.
Tôi tự nhủ vẫn còn nhiều điều cần học hỏi, trau dồi trong cái nghiệp này lắm. Người nghèo đã khổ, người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo và bị dồn vào bước đường cùng đến với mình họ còn thảm thương như thế nào nữa.
Ai biết được một ngày lỡ chúng ta sa cơ thất thế… Ba má và người thương luôn dặn tôi ăn hết phần cơm mỗi bữa, và tập sống tử tế, biết ơn và trân trọng cuộc sống đủ đầy mỗi ngày, thì đâu đó những ngày dịch khốn khó này, tôi lại càng đau xót khi chứng kiến những việc đối nhân xử thế biến chất chướng tai gai mắt như thế.
Một hộp cơm có thể giúp người nghèo qua cơn đói, nhưng những tổn thương kia ai sẽ gánh nổi? Những hạt cơm uất nghẹn chan nước mắt tủi thân nhận được, sao tiêu hoá được những đắng cay…
Khi thế gian luôn còn những con người mà “sống để ăn” các món ngon vật lạ chỉ là ước mơ xa xỉ, sao chúng ta lại để việc ban bố đội lớp thiện nguyện như vậy cướp luôn của họ quyền “ăn để sống”.
Tập bao dung, tử tế, và cùng đùm bọc nhau chân thành mỗi ngày nhé mọi người, nhất là trong hoàn cảnh dịch giã nhiễu nhương kéo dài quá nhiều đau thương như thế này…
BS Nguyễn Cát Phương Vũ
(Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM)
Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền những clip quay cảnh người đàn ông la lối người đến nhận cơm từ thiện vì cho rằng người này có điều kiện, rồi sơn móng tay mà đi xin cơm từ thiện… Bạn nghĩ gì về việc này? Có thể chia sẻ với Mây Thong Dong qua email: maythongdong.coffee@gmail.com, hoặc bình luận dưới bài viết quan điểm của mình. Chúc bạn và gia đình sức khỏe, an lành!