(MTD) Sau khi thành phố đi qua trận dịch Covid, tôi ghé nhà mế ngày cuối năm, nhìn di ảnh bạn tôi trên bàn thờ mỉm cười. Cậu ấy mãi mãi 33 tuổi…
Tôi thắp nén nhang từ cây đèn dầu nhỏ, phẩy tay cho lửa tắt, khói bay cay mắt, và thoảng nghe mùi hương trầm thoảng bay trong căn nhà cũ kĩ.
Mế nói trầm hương xua tan âm khí, làm vượng khí, giữ tâm an và lòng ấm… Tôi không biết có thật thế không, nhưng tôi thấy ấm hẳn lên. Tôi vẫn tin giữa muôn vàn mùi hương, người ta vẫn nhớ thương một mùi hương xưa cũ của kỉ niệm, như linh hồn nào đi qua cầu Nại Hà đã uống chén canh của Mạnh Bà, dẫu không nhớ nổi tiền kiếp, vẫn loay hoay lần theo một mùi hương quen thuộc, dù chẳng thực sự nhớ được chính xác vì sao lại thấy quen đến thế. Ngày nhỏ, chúng tôi chỉ ngửi được mùi trầm hương khi Tết đến xuân về, mế cúng ông bà ngày 30 hay hôm mùng 1. Ngót mấy chục năm qua, sống giữa phố thị, có đôi lần tôi tin và mua nhang trầm người ta bán trên mạng, nhưng khi đem về đốt mới nhận ra đó chỉ là sản phẩm của nền thương mại biết cách tung hô quảng cáo mà thôi, nó không thơm và ấm như nhang trầm mế làm thưở trước.
Tôi với mế ngồi ôn lại kỉ niệm của tôi và cậu bạn tôi thuở thiếu thời, cái thời còn giành nhau từng tấm ảnh Triển Chiêu và mấy hạt đậu phộng bọc đường xanh đỏ. Mới đó đã gần 30 năm. Cậu ấy sắp cưới dâu cho mế, nào ngờ mắc Covid. Tôi sống và làm việc ở Sài Gòn, chẳng mấy khi về quê. Ngày về, giàn hoa giấy năm xưa nhà mế mà tôi và bạn hay ngồi dưới đó bắn bi đã tàn phai sắp sửa, thấy mình như người mộng du, lạc lối trên chính mảnh đất chôn nhau, tưởng như có một sợi dây thiêng liêng níu mình với đất ấy vừa đứt.
Mùi trầm đặc sánh trong căn nhà nhỏ… Mế quẹt ngang ngấn lệ ở khóe mắt, khuôn mặt rúm lại khắc khổ và những nếp nhăn xô lệch như những cơn sóng biển quê tôi vào mỗi chiều hoàng hôn. Mất mát ấy với mế lớn quá. Cậu con trai duy nhất bỏ mế đi giữa đại dịch. Tất cả những gì mế còn lại chỉ còn là một tấm di ảnh bạc màu. Trong câu chuyện kể của mế, tôi và bạn tôi dường như vẫn còn bé lắm, chỉ là những cậu chàng trốn học đi đánh điện tử ngoài xóm bị mế bắt về đánh đòn và quỳ trên vỏ mít. Vậy mà lúc sau mế lại hối: “Con coi ưng đứa mô thì cưới đi, đừng chần chừ như thằng Lĩnh. Lỡ dở hết…”. Rồi mế thở dài, tiếng thở dài hun hút như bóng tối đêm 30…
Khói trầm bay, hương thơm len vào cả kí ức như dẫn dụ… Mà ngộ lắm, chúng ta thường chỉ thích giữ lại những hồi ức đẹp, nhưng có mấy kỉ niệm buồn muốn quên đi mà không cách chi buông bỏ được… Tôi vẫn nhớ như in lần đầu qua nhà Lĩnh chơi, mế chỉ vào khúc cây dó bầu xù xì, bảo: “Trầm đó, quý lắm, chơi gì chơi, né khúc cây của mế ra”. Mà thực lòng, tôi và Lĩnh cũng chỉ coi đó là một khúc gỗ đốt lò nấu cám bình thường. Nhưng ở đời, phàm cái gì càng tuyệt mĩ quý hiếm lại thường ẩn tàng trong những thứ dung dị. Ở những chỗ vết thương của cây, chiết ra từ những đớn đau, nhựa ứa và lắng đọng giữa mưa nắng, quyện với linh khí của đất trời. Mế gọi trầm là nước mắt của cây, đó là thứ nước mắt khan hiếm và đắt đỏ. Và hôm nay, nước mắt của mế, cũng cạn rồi!
Thoang thoảng trong gian phòng nhỏ, mùi nồng ấm huyền hoặc của gỗ trầm lẫn vào mùi ngọt đắng của hoài niệm linh thiêng… Ngọn gió lạnh ngày mưa phùn cuối đông, làm tắt ngọn đèn dầu trên bàn thờ bạn. Mế đứng dậy bắc cái ghế đẩu ọp ẹp tự đời nào, châm lại ngọn đèn, miệng lầm rầm khấn vái, cẩn trọng sửa lại bông hoa ly đang che khuất khuôn mặt của bạn tôi trên di ảnh. Lúc đó lạ lắm, tôi thấy cậu ấy như đang mỉm cười, an nhiên và thanh thản. Tôi đỡ mế xuống, bàn tay mế xương xương, những đường gân đã lộ rõ sau lớp đồi mồi. Đó là đôi bàn tay đeo trầm từ thuở 18, gọt trầm cả thanh xuân, và cũng sống trầm lặng cả đời từ ngày ba Lĩnh bỏ đi theo người đàn bà buôn trầm. Chúng tôi lớn lên cùng với mùi hương bồ kết tỏa ra từ tóc má tôi và từ mùi trầm quyện trong cái áo nâu sờn vá mế mặc. Hai bà má cũng thương và thân nhau như tôi và Lĩnh thân nhau vậy.
Tôi không theo đạo Phật và cũng ít đi chùa nhưng cứ mỗi lần ngang qua ngôi đình nhỏ đầu làng vào hôm rằm, tôi và Lĩnh thích dừng lại bên cội đa già trước cổng đình, hít căng lồng ngực cái mùi trầm hương buổi sớm, thấy mùi hương ấy như một làn gió diệu kì làm dịu lại những thương tổn khó nhọc của cuộc sống, làm nguội đi những hung hăng háo thắng của những đứa trẻ trai mới lớn. Sau này, khi trưởng thành, tôi thích đốt trầm hương trong phòng đọc sách, vì sau tất cả những xô bồ của phố thị, mùi trầm tỏa bay trong gian phòng nhỏ như làm dịu lại những khát vọng điên cuồng và hư vinh huyễn hoặc.
Cuộc sống vô thường, ta cố gắng từng ngày đan một chiếc áo len, chú ý từng mũi kim tỉ mỉ từng sợi len nhưng họa vô đơn chí ập đến bất ngờ, phá hủy nhanh như khi ta gỡ cả áo len, chỉ cần nhẹ nhàng kéo một cái là tuột hết. Con người cần làm quen với mất mát và chia ly. Phải mất bao lâu nữa để mế nguôi ngoai nỗi đau, tôi không biết? Phải mất bao lâu nữa cây hồng trong khu vườn của mế mới chín đỏ, tôi không biết? Cũng không biết phải mất bao lâu nữa cây dó bầu mế vùi xuống bên mộ Lĩnh mới kết trầm?
Tôi ôm tạm biệt mế, nhẹ xiết vai gầy của mế, thì thầm: Lĩnh nói, con đón mế vô chơi ít hôm với má con, mế đi nghen.
Hương trầm len vào những hồi ức lấp lánh, nhẹ nhõm hong khô nước mắt ngày cuối năm…
Đỗ Đức Anh (TP.HCM)
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC:
- Hương quê…
- Hanh hao mùi Tết
- Khói ơi…
- Khoảng trống giữa trời
- Má đợi con về
- Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng
- Mùi chùa quê
- Mùi khói tết của mẹ
- Mùi trà – vị đạo hương quê
- Mùi vạn thọ
- Mứt gừng – vị cay cay, mùi thơm ngát
- Nghe mùi thơm bông lúa chợt nhớ mái trường xưa
- Mùi tết quê ngoại
- Mùi pháo Tết chỉ còn là hoài niệm
- Mùi của mùa sinh khởi
- Cảm xúc xuân
- Có tật có tài
- Viết về một vùng trời tím những đợi mong
- Nhớ mùi hương bánh tổ quê ngoại
- Mùi Tết của Thạc sĩ Tâm lý
- Còn thương rơm rạ đồng chiều
- Nhớ thương cái ngọn khói tràm