Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Bài viết tham gia dự án sách “Mùi nhớ”: Nhớ thương cái ngọn khói tràm

Sáng nay gió lạnh tràn về

Bỗng dưng nhớ ngọn khói quê năm nào.”

(MTD) Nhớ khói, với tôi không phải là ngọn khói bếp trong chiều bảng lảng, không phải ngọn khói đốt đồng trong buổi sáng tinh mơ, mà chính là ngọn khói bốc lên từ đống vỏ tràm của má. Gần hai mươi năm đi xa, tôi mang theo trong hành trang của mình cả cái mùi ngai ngái đó để học cách nhẫn nại, trầm tĩnh hơn trước những biến cố của cuộc đời.

Nhà tôi nằm ở vùng quê heo hút, hay nói chính xác hơn là căn nhà lọt thỏm giữa rừng tràm bông vàng ngút ngàn chạy dài lên ngọn đồi trước mặt. Ở cái xứ này, nhà với nhà đôi khi cách nhau vài trăm mét, nên thứ làm bạn với mình chỉ là đoàn tàu chạy qua ầm ĩ hay tiếng con trùng rên rỉ giữa khuya. Có lần tôi hỏi má: “Sao nhà mình không dời ra lộ, con đi học không phải lội bộ xa lắc xa lơ?”. Má đáp lại lời tôi bằng nụ cười buồn: “Nhà mình ở trên đất lâm trường, trồng rừng, giữ rừng thì đi đâu nữa hả con?”. Từ lúc đó tôi hiểu rừng và những thứ từ rừng dường như đã gắn liền với cuộc đời ba má và cả của anh em tôi.

Ba có nghề thu mua tràm giấy. Nói là thu mua nhưng mọi việc chỉ một tay ba làm, từ cưa cắt, khuân vác đến vận chuyển về nhà. Ba lấy công làm lời thay vì thuê mướn chắt chiu từng đồng bạc lẻ cho lũ trẻ đến trường. Giờ tôi cũng không còn nhớ ba bắt đầu “vào nghề” từ khi nào nữa. Chỉ biết hồi mình còn nhỏ xíu đã thấy ba ra khỏi nhà vào mỗi buổi sáng trên chiếc xe bò lọc cọc đến tối mịt mới về. Chỉ biết những thân cây tràm được ba đem về đổ nơi góc vườn để má bắt đầu bóc vỏ. Chỉ biết mấy anh em lớn lên, được học hành cũng nhờ thân cây tràm ướt đẫm mồ hôi của ba má.

Ngày nhỏ, tôi vẫn thường theo ba lên đồi, nhìn ba gồng mình vác những thân cây tràm dài hơn hai mét trên con đường gồ ghề, lổm nhổm đá cũng chỉ nghĩ đó là việc người lớn phải làm, nào có để tâm. Giờ về nhà nằm bên cạnh, nghe tiếng rệu rạo khi ba trở mình giữa đêm trời lạnh, mới hay sức lực của ba dùng để đánh đổi “bình minh” của những đứa con đã hao mòn sắp cạn.

Hồi đó trong vườn nhà lúc nào cũng đầy cây tràm vương vãi và vỏ tràm má thải ra cũng dày thêm mỗi buổi. Nhiều quá, má lại cào dồn thành đống mà đốt. Mùa nắng, vỏ tràm cháy đượm phả hơi nóng hầm hập vào nhà. Mùa mưa, vỏ tràm ẩm, từng ngọn khói cứ xông vào mũi, vào miệng. Mấy đứa tôi lại cằn nhằn khó chịu với má.

Nhưng đến những ngày tháng Chạp, nhìn má gom vỏ tràm đốt dần vào mỗi sáng thì đứa nào cũng thích. Trong cái se lạnh, anh em tôi ngồi quanh đống lửa, đưa bàn tay hơ lên ngọn khói cho ấm rồi áp vào mặt vào người. Cái mùi ngai ngái từ khói tràm khi đó lại dễ chịu vô cùng. Thêm nữa, nhìn vỏ tràm má đốt nhiều hay ít, anh em tôi có thể đoán được Tết năm đó nhà mình “ăn” như thế nào?

Như có năm mưa nhiều, con đường dẫn vào rừng trở nên sình lầy ngập ngụa. Ba ngồi nhà hết ngó trước nhìn sau, dường như không yên lòng với mớ cây tràm còn ở trên đồi, lại đi. Má nhìn theo ba hỏi: “Đường trong đó còn đi được không ông?”. Đó là lúc má lo xe bò mắc cạn, lo cây chất lên rồi lại phải bỏ xuống để vượt qua những vũng sình lầy, có khi đi cả ngày rồi cuối cùng trở về công cốc. Ba chỉ cười: “Chắc là được”. Nụ cười của ba để trấn an má, bởi ai cũng biết khi ba về muộn, má lại phải tất tả cầm đèn pin đi vào rừng tìm kiếm, để anh em tôi ngồi nhà với cái bụng lép kẹp chờ cơm. Và đó cũng là năm nhà thiếu trước hụt sau, cái Tết “nghèo” hơn hẳn.

Ngày ba mươi Tết, dù bộn bề công việc, má không quên cào lại một đống vỏ tràm thật lớn đợi đến giao thừa. Lúc đó, mặt đứa nào cũng vui lên thấy rõ khi hình dung đến lửa cháy rừng rực, sáng cả một khoảnh vườn, ngọn khói bốc lên tít tận trời cao. Hôm đi học lại còn có thứ khoe với đám bạn: “Đêm giao thừa nhà tao đốt vỏ tràm sáng lắm”.

Bây giờ giao thừa, tôi cũng bật đèn điện sáng choang nhưng niềm vui đâu còn như trước. Phải ánh sáng từ ngọn đèn điện không có mùi khen khét, ngai ngái như ngọn khói tràm của má hồi xưa? Phải anh em chúng tôi không còn những phút giây được quây quần đón giao thừa bên ba má?

Khói tràm đã theo cùng chúng tôi qua bao năm tháng. Nhờ ngọn khói mang theo giọt mồ hôi, nhiều khi cả máu từ bàn tay ba má mà từng đứa con được cắp sách đến trường, đi khỏi cánh rừng dựng thân lập nghiệp. Nhiều khi tôi thoáng nghĩ trong đầu: “Nếu như không có nó thì giờ anh em tôi sẽ trôi dạt về đâu?”.

Những ngày cuối năm, gọi điện về cho má lại cứ muốn nhắc: “Tết nay con về, nhà mình đón giao thừa nha má”. Nhưng lời chưa kịp thốt ra, bỗng dưng tôi nín lặng. Bởi chắc gì mình đã về được, ba má lại mong…

*Tràm: tên người dân quê tôi dùng để gọi cây keo lá tràm

Quốc Việt

(Bà Rịa Vũng Tàu)

Nhang Bảo Trầmhttps://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
🛒 Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
🛒 Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
🛒 Lazada: https://info.baotram.vn/lazada

Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà
  • BÀI CÙNG MỤC:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!