Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Làm sao biết mình tu đúng không?

Có bạn nhắn tin hỏi: làm sao để tu cho đúng và làm sao biết mình tu đúng không?

Câu hỏi hơi lớn, nhưng nó đến với mình, xem như chút duyên chia sẻ, tôi trả lời bạn theo cách nhẹ nhàng, dễ hiểu nhứt.

Đầu tiên là làm sao tu cho đúng (ý bạn hỏi về tu theo Phật). Tất nhiên, mình phải học cho đúng. Đó là học những lời Phật dạy - từ kim khẩu của Đức Phật Thích Ca - được truyền lại theo hệ thống kinh điển. "Tu mà không học là tu mù", lời truyền tụng này nhắc nhở ý nghĩa sự học trên bước đường tu là cực kỳ quan trọng.

Về chuyện học, thì theo nhân duyên riêng của mỗi người, nhưng lý chung là từ thầy, từ bạn đi trước, từ sách vở nằm trong ba tạng (kinh-luật-luận). Qua đó, nắm được cốt tủy của đạo Phật, thực tập giới-định-tuệ, trên tinh thần trung đạo, cả ba phương diện (gồm ý-khẩu-thân). Hành giả hiểu nhân-duyên-quả, vô thường, vô ngã, vượt thoát cái hiểu, cái thấy thường tình...

Thứ hai, để biết mình tu có đúng không thì hãy nhìn vào kết quả của sự tu. Đó là những chuyển hóa nơi thân-tâm mình, gia đình, hoàn cảnh xung quanh, ở cách mình sống...

Theo đó, người học Phật sẽ tiến hóa từ chỗ thân tâm ít tươi, ít tỉnh sang tươi tỉnh hơn. Từ chỗ đầy những tham muốn, cái gì cũng nắm níu qua chỗ buông bỏ bớt, tự do hơn trong đời sống thường ngày. Từ chỗ chấp đúng sai, cãi cọ các kiểu, kể cả tranh luận Phật pháp sang chỗ biết mình, nhìn người ta thấy rõ, chấp nhận được cái khác họ trong tinh thần quán chiếu cơ-duyên của người ấy. Từ chỗ phiền não đủ thứ sang chỗ bình an trong mọi hoàn cảnh...

Nhiều người vẫn hay thắc mắc, người đó tu vậy (hoặc tu cao vậy) mà sao cũng bệnh này bệnh kia, cũng tai nạn, cũng nghèo, cũng khó khổ vậy...

Thực ra, quan trọng hơn là ở chỗ tiếp nhận, lãnh thọ những biểu hiện đó của hành giả, chứ không phải ở chỗ nó còn hay không còn biểu hiện những cái (tạm gọi) là khổ ấy. Họ đã nhẹ nhàng đi qua những cái đau, cái khó, cái nghèo... mới là "thành tựu", là "bước tiến" của một người tu.

Chuyển tâm thì cảnh sẽ chuyển. Có thể đó là cảnh bên ngoài (thay đổi hoàn cảnh, cái thân tứ đại mà mình thấy được bằng mắt), cũng có thể là cái cảnh bên trong của người ấy. Nếu ta mà thọ nhận những bất như ý đó, như họ, thì có lẽ cảnh bên trong ta cảm được đã là địa ngục rồi. Cùng ở những chỗ bất như ý đó, họ vẫn thong dong, tự tại: à, nó đến, là nghiệp xưa đây mà. Giải thoát, giác ngộ là ở chỗ đó.

Chúc bạn đồng tu, vừa bước vào con đường vui ấy sẽ luôn bền tâm vững chí, vì có thể bạn sẽ trải qua nhiều thử thách, nghiệp (xấu) xưa tìm tới. Khi đó, có thể bạn sẽ nghe người ta nói - tu cũng đâu ích gì - thì hãy nhẹ nhàng nói với họ, à, nhờ tu nên mới "bị" chừng này thôi đó; hoặc sẽ mỉm cười, chào những bất như ý vừa đến như cố nhân, vì chắc chắn mình đã từng gieo, từng tạo rồi. Vịn lời Phật dạy mà mình đã học, để đi tiếp và đi tới...

Yết đế, Yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ-đề tát bà ha...
Lưu Đình Long
Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!