(MTD) Mỗi buổi sớm thức dậy, khi ông mặt trời lấp ló sau rặng tre cuối vườn, mấy con chim chào mào đít đỏ đang rủ nhau uống những hạt sương còn đọng trên vòm lá trẩu lích chích sau nhà. Cũng là lúc cha khoác chiếc túi thổ cẩm lên vai, lùa đàn trâu dưới sàn nhà lên núi. Tiếng mõ trâu lục cục vang lên rồi nhỏ dần theo con đường mòn dẫn về phía sau bản.
Tôi thích nhất khi vào hè, vì lúc ấy được nghỉ học, thay cha lên núi chăn trâu. Mùi trâu nồng nồng ngai ngái theo tôi suốt dọc con đường đất nhỏ. Đường càng đi lên càng dốc, tôi phải bám ghì vào lưng con trâu đực to nhất. Có những lúc vớ được bụi cỏ voi ven đường, con nghé con nghịch ngợm háu ăn dừng lại, lia lưỡi choàm choạp ngấu nghiến.
“Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ?”. Có lẽ niềm vui của lũ trẻ chăn trâu cắt cỏ ở nơi nào và thời nào cũng giống nhau. Chỉ khác ở cách tạo ra những niềm vui ấy. Ở dưới xuôi có đánh trận giả, đổ lỗ dế, bắt cá cua trên đồng. Ở mạn ngược thì bọn trẻ lại dựng lều trại bằng cây cỏ bên những bụi sim, tìm nho rừng, chuối rừng bên những khe núi, bắt cá bống trong những vũng suối đầy những cát, với dòng nước trong vắt, chảy xiết qua những hòn đá cuội gập ghềnh. Tôi còn nhớ mùi cá bống nướng thơm phưng phức, thịt trắng, mềm và ngọt, mấy đứa chụm đầu với mớ tóc cháy nắng hanh hao xúm xít tranh nhau ăn bên mùi hương cỏ non thơm mát.
Bọn tôi hay lấy quả của cây màng tang nhồi vào chiếc súng tự chế bằng ống tre, bắn ra tiếng nổ “đoàng đoàng” vui tai. Quả màng tang có mùi dầu hăng hắc, nhựa màng tang dính vào quần áo thì tẩy không ra, nhưng cây màng tang qua tay mẹ lại thành vị thuốc. Mẹ lấy lá màng tang đem phơi khô để dùng dần trị bệnh ngoài da, mụn nhọt. Mẹ bảo rễ cây màng tang còn dùng để trị bệnh nhức đầu, đau dạ dày, đau xương khớp. Bây giờ, qua mạng internet tôi được biết người ta còn nghiên cứu chiết xuất tinh dầu từ quả màng tang để pha chế thuốc xoa bóp, dùng cho kỹ nghệ sản xuất nước hoa và kỹ nghệ hương liệu.
Nếu được hỏi mùi gì khiến tôi yêu quý nhất, thì đó chính là mùi chàm trên vai áo mẹ. Mùi chàm nhuộm vải đã theo tôi từ khi mới lọt lòng được quấn tã, bọc chăn địu trên lưng mẹ, theo mẹ đi làm trên đồi chè, nương lúa. Khi lớn lên tôi cũng được theo mẹ đi hái cây chàm thường mọc khắp bên những khe suối.
Cây chàm thân gỗ, có lá kép lông chim màu xanh nhạt, hoa mọc xen kẽ với lá thành từng chùm màu hồng. Khi nhuộm lên vải ra màu xanh lục và thơm mùi của cây chàm. Nhuộm xong mẹ lại khéo léo khâu áo cho cha, khâu túi đựng sách cho con đi học, rồi thêu những họa tiết truyền thống làm thành những bộ váy áo sặc sỡ, đẹp đẽ cho chị. Có lẽ mùi chàm cũng gây thương nhớ, tạo cảm hứng cho nhiều tác giả đưa áo chàm vào những áng thơ văn: “Áo chàm đưa buổi phân ly / Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay?” (Việt Bắc – Tố Hữu).
Cha thường bảo, với những du khách lần đầu đến với Tây Bắc, hương vị khiến họ cảm nhận rõ rệt sự khác biệt với những nơi khác là ở văn hóa ẩm thực. Thứ tạo ra hương vị đậm đà trong từng món ăn nơi đây, bí quyết chính là ở gia vị, từ lá tới quả rừng. Này nhé, lá mắc mật để ướp trong thịt nướng, quả mắc khén (được ví như hạt tiêu của người Tây Bắc), hạt dổi ngoài làm gia vị ướp thịt cá còn để làm nước chấm vừa cay, vừa thơm nồng một hương vị đặc biệt, ăn một lần sẽ nhớ đến suốt đời. Thảo quả ngoài là một vị thuốc, dược liệu quý còn là một loại gia vị không thể thiếu trong ẩm thực Tây Bắc. Thảo quả có mùi thơm, ăn có vị vừa cay vừa ngọt thường dùng để ướp gia vị, làm nhân bánh chưng, …
Nhưng với tôi mùi hương quyến rũ nhất núi rừng có lẽ là mùi nước gội đầu của chị. Từ đầu giờ chiều, chị đi hái lá tre, lá hương nhu, nhổ cây hoa cứt lợn, cắt lá xả, hái lá chè xanh, lá bưởi và không thể thiếu được quả bồ kết đã nướng qua than hồng. Gội đầu xong, chị đứng đầu nhà hong tóc ướt, mùi hương ngan ngát bay ngập nhà trong, thơm nồng nàn dịu ngọt. Cũng nhờ nồi nước gội đầu “thần kỳ” ấy mà tóc chị đen lay láy, óng mượt chảy dài như suối đến tận kheo chân.
Những mùi hương sinh ra từ núi rừng, quyến luyến con người đã từng sinh sống ở nơi đây. Những mùi thơm từ cây cỏ, từ mùi chàm trên quần áo truyền thống, mùi hương từ trên suối tóc của thiếu nữ vùng cao vẫn mãi in đậm trong trái tim người con của quê hương Tây Bắc dù có đi đâu, làm gì và bao xa vẫn luôn thương nhớ về nguồn cội.
Đặng Thùy Tiên
(Lai Châu)
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC:
- Hương quê…
- Hanh hao mùi Tết
- Khói ơi…
- Khoảng trống giữa trời
- Má đợi con về
- Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng
- Mùi chùa quê
- Mùi khói tết của mẹ
- Mùi trà – vị đạo hương quê
- Mùi vạn thọ
- Mứt gừng – vị cay cay, mùi thơm ngát
- Nghe mùi thơm bông lúa chợt nhớ mái trường xưa
- Mùi tết quê ngoại
- Mùi pháo Tết chỉ còn là hoài niệm
- Mùi của mùa sinh khởi
- Cảm xúc xuân
- Có tật có tài
- Viết về một vùng trời tím những đợi mong
- Nhớ mùi hương bánh tổ quê ngoại
- Mùi Tết của Thạc sĩ Tâm lý
- Còn thương rơm rạ đồng chiều
- Nhớ thương cái ngọn khói tràm
- Nước mắt cây dó bầu
- Làm sao về được mùa đông*
- Ấm nồng hương vị tinh khôi
- Về miền thương nhớ
- Rưng rức hương trầm
- Nhớ mùi hoa xoan bên bờ ao vắng
- Ước gì gói một làn hương
- Ông nội
- Ánh sáng ngọn đèn dầu
- Nhớ ba những đêm mưa đánh cá
- Thương nhớ mùi chao
- Mùi nhang trầm ngày cuối năm