Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Bài viết tham gia dự án sách “Mùi nhớ”: Làm sao về được mùa đông?*

(MTD) Nằm trên dãy Alpes ở đông nam Pháp, Grenoble có mùa đông lạnh hơn các thành phố khác trong nước. Tháng 10-2003, tôi đến đó và làm chung phòng với Afonso Henriques tại Trung tâm nghiên cứu khoa học Leibniz. Là người Brazil, Afonso muốn thưởng thức phở nhưng ngại đến nhà hàng châu Á vì sợ hội chứng MSG*. Một hôm, anh đề nghị cùng tôi nấu phở đón giáng sinh tại Trung tâm.

Tầng hai Trung tâm Leibniz có một cafétéria tự phục vụ được trang bị các dụng cụ nấu ăn. Đây là nơi mọi người thường đến trong giờ giải lao để uống cà phê, dùng bữa nhẹ và thảo luận về các dự án khoa học đang nghiên cứu. Trung tâm nghỉ lễ từ 24-12 nên chúng tôi chọn ngay hôm ấy để tổ chức tiệc giáng sinh.

Sau mấy ngày tham khảo cách nấu phở từ nhiều nguồn, chúng tôi liệt kê đầy đủ nguyên liệu cần chuẩn bị và tìm kiếm cửa hàng tốt nhất cho mỗi loại. Sáng hôm ấy, từ nhà ga hướng về đại lộ Félix Viallet, chúng tôi thấy tuyết đang lặng lẽ rơi trên những cành tiêu huyền (platane) trụi lá và xa xa là dãy Vercors phủ đầy băng giá.

Khoác áo choàng có mũ trùm đầu và mang theo dù, chúng tôi đi mua xương bò, thịt bò tại hiệu Boudoudou ở Place aux Herbes, mua các nguyên liệu khác tại cửa hàng Việt Hưng ở ngã tư Vizille – Nicholas Chorier. Do không tìm được bánh phở tươi, chúng tôi dùng bánh phở khô của phở ăn liền.

Sau sáu giờ làm việc tỉ mỉ, chúng tôi đã có món phở bò hấp dẫn trên bàn ăn. Những cọng phở trắng nép mình e ấp bên những lát bò viên và những miếng thịt bò chín tái. Nước dùng béo vừa phải, mang vị ngọt tự nhiên và tỏa mùi thơm đặc trưng. Những lát chanh vàng và ớt đỏ nằm khoe sắc cạnh những lá rau quế tươi xanh, làm nền cho những cọng giá trắng trên đĩa.

Afonso khui chai rượu vang Bordeaux thượng hạng mới mua. Trong Trung tâm Leibniz vắng tanh, chúng tôi – hai chàng trai nước ngoài – cụng ly rượu Pháp và thưởng thức phở Việt để mừng sức khỏe, mừng đề tài đang nghiên cứu và mừng giáng sinh.

Vừa ăn, tôi vừa trò chuyện với Afonso về việc phải thưởng thức phở đồng thời bằng mắt, mũi, lưỡi và da để cảm nhận màu sắc hài hòa và độ nóng của tô phở, mùi thơm và vị ngọt tự nhiên của nước dùng, vị cay nồng của tiêu và ớt, độ mềm của thịt bò tươi và độ dai của thịt bò viên. Afonso dí dỏm bổ sung phải thưởng thức phở bằng tai và cả cơ thể khi được nghe những câu chuyện thú vị và ăn chung với bạn thân. Cứ như thế, chúng tôi chuyển sang triết lý trong nghệ thuật nấu ăn của Việt Nam, Brazil và Pháp.

Chiều dần buông. Qua cửa sổ của cafétéria, chúng tôi thấy tuyết đã phủ trắng các công trình xây dựng trên đường Louis Barbillon. Trong chốc lát, chúng tôi thấy ấm áp và quên đi những áp lực nghiên cứu khoa học thường ngày để tận hưởng món phở Việt mà chúng tôi đã dành nhiều thời gian và công sức chuẩn bị.

Hoàn thành đề tài nghiên cứu, chúng tôi lần lượt rời Grenoble vào cuối năm 2006. Afonso trở thành giáo sư Đại học Santa Cruz (Brazil) và có đủ điều kiện để ăn ngon nhưng vẫn không quên món phở mà chúng tôi là hai đầu bếp. Tôi từ bỏ công việc ở Pháp và thành phố Hồ Chí Minh để trở về Phan Thiết vì thèm ăn bốc cơm nguội với cá khô nướng. Nhưng trên tất cả, tôi tự biết mình là một chú chim cánh cụt giống như lời anh Ba thủy thủ nói với An trong Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi: “Không phải vì có đôi cánh cụt mà con panh-goanh không đi xa được đâu. Nó là một con chim không có cánh ở tâm hồn. Nó như một ông cụ già lưng mỏi gối chùn, lúc nào cũng muốn tìm về nằm xuống ở quê hương!”.

Rồi cũng đến những ngày mà phiền não trong đời khiến tôi không còn háo hức với những thay đổi bên ngoài. Tôi thích một khoảnh khắc được ngồi yên trong nhà mình, đọc sách, nghe nhạc, ngắm hoa và hoài niệm. Tôi nhớ về tô phở ấm tình bè bạn giữa mùa đông Grenoble lạnh giá. Dù biết gần như không còn cơ hội gặp lại người bạn tốt ở thành phố tràn đầy kỷ niệm đó, tôi vẫn có cảm giác “dường như ai đi ngang cửa” và chợt nghe vang lên ca từ quen thuộc: “Thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về”.

*Tên bài viết và những chữ trong ngoặc kép cuối bài lấy từ bài thơ Không đề gửi mùa đông của Thảo Phương, được Phú Quang (1949 – 2021) phổ nhạc thành ca khúc Nỗi nhớ mùa đông.

*Hội chứng MSG (hội chứng bột ngọt) ban đầu được gọi là hội chứng nhà hàng Trung Quốc, xuất phát từ cảm nhận khác thường của Robert Ho Man Kwok sau khi dùng bữa tại một nhà hàng Trung Quốc ở Mỹ (1968). Sau nhiều nghiên cứu, Harold McGee kết luận bột ngọt vô hại đối với phần lớn con người (2004).

Trường Lân

Nhang Bảo Trầmhttps://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
🛒 Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
🛒 Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
🛒 Lazada: https://info.baotram.vn/lazada

Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà
  • BÀI CÙNG MỤC:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!