Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Bài viết tham gia dự án sách “Mùi nhớ”: Mùi của mẹ

(MTD) Từ năm 2019 – 2022, hơn 3 năm chúng ta sống chung với đại dịch Covid – 19, tất cả phải chấp nhận và dần quen với việc chúng ta xa nhau hơn, xa dần những chiếc nắm tay, những chiếc ôm của tình thương, tình yêu. Hà Nội năm nay mưa lạnh nhiều, làm tôi càng nhớ những chiếc ôm của mẹ, nhớ hơn chiếc “mùi của mẹ”. Đen Vâu nói “màu son cho các mẹ, con đặt tên là son sắt”, còn tôi cứ nghĩ mãi về “mùi của mẹ”.

Liệu có mùi hương nào thể thay hương thơm của mẹ? Nhưng mẹ tôi, cả cuộc đời chưa từng dùng đến nước hoa, son hay phấn, vậy thì có lẽ hương thơm của mẹ mới đúng là “mùi của mẹ”.

Mẹ của mỗi người, mẹ của bất cứ ai, đều có một mùi rất riêng, rất đặc biệt, và mẹ của tôi hẳn cũng vậy. Tôi nhớ những ngày còn bé, dù mùa hè hay mùa đông, dù mẹ có ngăn cản bởi người mẹ đầy mồ hôi, thì tôi vẫn cứ muốn được ôm mẹ, rúc vào lòng mẹ, hít hà mùi hương trên người mẹ thôi. Nhưng có lẽ ai cũng vậy, càng lớn chúng ta càng ngại thể hiện tình yêu với mẹ, dù là lời nói hay hành động. Trong khi, với mẹ, chúng ta mãi là những đứa trẻ lên năm, lên ba.

Bây giờ, khi đã tuổi 25, tôi rất ít khi được ôm mẹ, được ngủ với mẹ, cũng bởi lẽ phải đi làm xa nhà, mỗi năm chỉ kịp về thăm gia đình dăm ba lần. Vì vậy, tôi lại càng nhớ những chiếc ôm từ ngày xưa, càng da diết cái cảm giác ngày đó. Tôi nhớ cả mùi mồ hôi, mùi bùn lấm lem quần áo mẹ, mùi nắng cháy, mùi của những cơn mưa một mình mẹ gánh trên vai, bởi đó là mẹ, là người mẹ tuyệt vời của tôi.

Bố mẹ tôi đều là nông dân, khi tôi còn rất nhỏ rồi học cấp 1, mẹ tôi đi bán rau củ, hoa quả ở chợ. Hàng ngày, đủ 365 ngày mỗi năm, mẹ đều dậy từ 4-5 giờ sáng để nấu một nồi cám lợn thật to. Tôi thích dậy sớm cùng mẹ, ngồi nấu với mẹ để mẹ ôm vào lòng rồi ngủ gật lúc nào không hay. Vì thế “mùi của mẹ” có phải chăng là mùi của bếp củi, là mùi của củ khoai lang, hay thậm chí là cùng với mùi của nồi cám năm ấy.

Mỗi ngày mẹ thường phải đạp xe đi nhập hàng ở chợ đầu mối rất xa, về bán ở chợ xã. Có lẽ vì vậy bàn tay mẹ, đôi lúc cũng là mùi của dầu tra xích xe, là mùi của sắt gỉ những lần tuột xích mẹ phải sửa giữa đường.

Năm lên lớp 4, lớp 5, tôi bắt đầu đi bán hàng phụ mẹ những lúc không phải đi học. Mẹ dạy tôi từng câu mời khách, từng câu chào hàng, rằng táo này ngọt thế nào, rằng dưa kia nhiều nước ra làm sao. Nhưng dường như tôi chẳng học hỏi được nhiều lắm sự nhanh nhẹn đó của mẹ. Mẹ miệt mài dạy tôi gọt từng quả dứa, quả bưởi, cách chọn từng loại quả sao cho ngon. Tôi nhớ mỗi năm cứ đến mùa dứa, mẹ lại cặm cụi ngồi gọt cho khách, có hôm đến đứt tay, phồng rộp cả bàn tay vì cầm dứa cả ngày. Những ngày ấy, mùi dứa thơm lừng cả nhà. Mẹ ơi! Mùi của mẹ có khi nào là mùi dứa, mùi na, hay mùi ổi năm ấy?

Bây giờ gia đình tôi đã có một căn nhà mới hơn, không còn là căn nhà sắp sập trong mắt mọi người như trước kia nữa. Thế nhưng, căn nhà mới đã chẳng còn mùi hoa quả chín theo từng mùa mà mẹ mang về bán.

Căn nhà cũ ấy tuy có nứt, có dột, nhưng là nơi cất giữ tuổi thơ của cả bốn chị em ngày bé. Tôi nhớ những ngày mưa, ở Ba Vì quê tôi khi đó thường có mưa đá, vì thế có những đêm, cả nhà phải chui xuống gầm giường để tránh mưa  và đó cũng là nơi khô ráo nhất trong nhà. Tôi, đứa con út thường òa lên khóc vì sợ. Cơn mưa qua đi, mẹ tất tả lau giường rồi chọn chỗ khô ráo cho các con, còn chỗ ẩm ướt mẹ bảo mẹ nằm đây cho mát thôi. Tôi vẫn chui vào trong vòng tay của mẹ: “Mẹ ơi, mùi giường ẩm nhỉ mẹ nhỉ?”. Vậy phải chăng mùi của chiếc giường ẩm năm ấy chính là mùi của mẹ, của người mẹ muốn nằm chỗ ướt, nhường phần khô ráo cho các con.

Năm tôi lên lớp bảy, mẹ lên Hà Nội làm việc, tôi phải sống xa mẹ. Khi ấy, đến ngày biết mẹ về tôi ngồi trong lớp học lòng đều đầy háo hức, chỉ mong tan học để được chạy về thật nhanh.

Cứ thế, bao nhiêu nhung nhớ vỡ òa trong tôi, tôi lại được ăn những bữa cơm mẹ nấu, được nghe giọng mẹ mắng sao mẹ đi vắng mà không chịu dọn dẹp nhà cửa thế này. Tôi muốn được ôm mẹ cả buổi tối hôm ấy, được nghe mẹ kể chuyện mẹ đi làm ở Hà Nội, được nghe mùi mẹ, vấn vương mùi của những chuyến xe đưa mẹ từ xa trở về nhà.

Thuở nhỏ, tôi rất sợ mẹ, dù mẹ chẳng đòn roi, thi thoảng mẹ chỉ nặng lời, nhưng tôi sợ mẹ, sợ mẹ buồn, sợ mẹ lo. Tôi sợ nhất ánh mắt của mẹ khi tôi cần tiền đóng học, ánh mắt của mẹ khi mâm cơm chỉ có một bát rau muống già luộc và một bát tương, ánh mắt khi hôm đó mẹ không bán được hàng.

Hồi bé tôi rất thích đếm tiền cho mẹ sau một ngày mẹ đi bán hàng về, có lúc ví mẹ chỉ còn vỏn vẹn 2 nghìn đồng. Bây giờ đây thì tôi đã tìm được câu trả lời rằng không chỉ tiền, mà cả thanh xuân của mẹ đã dồn vào hết các con, vào sự khôn lớn của các con. Và mùi của người mẹ, chính là mùi của tuổi thơ, mùi của hiện tại và cũng là mùi của tương lai, khi chúng ta cũng sẽ đều đến lúc gánh vác thiêng chức làm cha, làm mẹ.

Bởi vậy, mong rằng: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc / Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”

Lê Thị Phượng

Nhang Bảo Trầmhttps://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
🛒 Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
🛒 Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
🛒 Lazada: https://info.baotram.vn/lazada

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là NHANG-baotram-2-1-1024x1024.jpg
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà
  • BÀI CÙNG MỤC:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!