Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Bài viết tham gia dự án sách “Mùi nhớ”: Những ngày còn Ngoại

(MTD) Tháng Chạp. Những ngày lập đông với tiết trời trở lạnh. Tôi rất thích thời khắc giao mùa của đất trời tháng Chạp, thích cả không khí chộn rộn và tiếng nói cười rổn rảng của người nhà quê chuẩn bị đón Tết. Năm qua, đất nước mình có quá nhiều biến động vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên không khí đón xuân ở quê tôi ít nhiều trầm lắng. Bất giác, tôi thèm và nhớ dư vị những ngày giáp Tết ở quê tôi khi còn Ngoại.

Mùi khói bếp chưa bao giờ phai nhạt

Nhớ những ngày cạn tháng Chạp, Long An có những cơn gió xa tít thổi về, không khí chợt se lạnh. Như thói quen, tôi dậy sớm chẳng phải để “thành công” như nhiều người thời nay hay ví von mà để bước lên chiếc xe lăn, ra trước sân hít thở gió trời sẵn tiện ngắm mấy chậu sen đá. Ngồi trên xe, tôi phóng tầm mắt về phía những cánh đồng, ngắm nhìn những con đường quê với làn sương mờ tựa như những tấm rèm mỏng dần mở ra để chào đón ánh bình minh của ngày mới.

Phía xa ấy, tia nắng đầu ngày len qua những sợi khói bảng lảng trên mái nhà của bà Năm. Ngay tắp lự bao nhiêu ký ức miên man ùa về. Thằng cháu chợt nhớ ngoại quay quắt. Khi sinh thời, ngoại tôi dậy rất sớm. 5 giờ 30 phút, dáng ngoại đã thấp thoáng dưới bếp để nấu cơm, nấu nước pha trà. Mấy độ trời lập đông, tôi rất thích ngồi cùng ngoại bên bếp củi. Một phần để được sưởi ấm, phần khác được thưởng thức chén nước cơm ngoại chắt còn nóng hổi.

Tôi nhớ, có một hôm tôi uống trên chén còn sót lại một ít. Ngoại tâm tình: “Thời xưa khổ chưa từng khổ, ông ngoại mất, mình bà gánh gồng nuôi 8 con nhỏ. Mỗi ngày phải ráng để có nấu nồi ‘cơm khoai độn’ mới yên tâm đi mần mướn. Đời trước thiếu thốn đủ bề mấy cậu mấy dì phải nhường nước cơm cho nhau, đến con được uống nước cơm nguyên chất thì ráng uống cho hết. Để mứa mang tội”. Lời dạy của ngoại vẫn vang vọng đâu đây và để lại ấn tượng mãi đến bây giờ.

Nhớ ngoại. Tôi càng nhớ về những ngày tháng chạp tưởng như xa mà thực ra lại gần, rất gần. Dù rằng mọi thứ đã trôi vào quá vãng nhưng mùi khói bếp cay cay, dáng hình ngoại tôi bên bếp củi vẫn còn đọng lại trong miền nhớ của tôi. Chưa bao giờ phai nhạt.

Tết nhà Ngoại luôn có các loại mứt

Người quê tôi chuẩn bị đón tết từ khá sớm. Tôi nhớ… khoảng độ 14, 15 tháng chạp là cả xóm bắt đầu lặt lá mai. Phần việc này thường được giao cho cậu Út. Song, tôi cùng mấy anh chị cũng góp một tay. Đang say sưa, trong nhà tiếng ngoại vọng ra: “Thằng Hết tranh thủ tuốt xong, bây leo lên hái cho má mớ dừa rám, để tao sên thêm ít mứt chuẩn bị Tết nghen…”. “Dạ, con biết gồi!” – cậu đáp giọng rặt miền Tây.

Nghe đến mứt, bọn tôi kiểu “phái phái… chảy nước miếng”, rồi quay sang bù khú. Cậu bảo: “Mấy đứa tuốt giỏi, trưa Út thưởng cho mỗi đứa một ổ bánh mì kẹp kem”. Đứa nào cũng khoái chí, nhảy cẫng lên, vỗ tay và hô to “yeah”.

Nắng hé lên, Ngoại nhờ chúng tôi bưng mấy mâm mứt me đã mần mấy hôm trước đặt trên chiếc ghế đẩu để phơi thêm vài nắng cho ráo. Tôi đi chậm rãi, gương mặt khá tập trung vì Ngoại dặn “bưng cho khéo, kẻo đổ”. Nhìn những trái me vàng ươm được Ngoại xếp vòng tròn quanh mâm, kèm thêm cái mùi mứt khiến đứa hảo mứt như tôi phải tứa nước bọt.     

Người quê tôi chất phác và cũng đơn giản lắm, trong vườn nhà có những cây trái gì thì làm mứt đó. Với món mứt dừa, tôi nhớ, Ngoại chọn những trái vừa rám tới để khi sên lên nó có độ dẻo và ngon. Cơm dừa Ngoại xắt mỏng thành sợi, sau đó chia làm 3 phần bằng nhau tương ứng với 3 màu (trắng truyền thống, màu xanh từ lá dứa và hồng từ lá cẩm). Ngoại ướp dừa theo tỷ lệ 2:1 – 2 phần dừa ứng với 1 phần đường và ướp trong tầm 4 tiếng. Sau đó, bắc bếp lên sên khoảng chừng 30 – 45 phút cho đến khi sợi dừa khô lại, có phấn trắng bám quanh sợi dừa là thành phẩm.

Ngoại sên xong mấy chảo mứt dừa thì trời cũng chập choạng tối. Tấm chiếu được trải trước sân, đại gia đình ngồi xuống quây quần bên mâm cơm. Bữa cơm tối chỉ có cá kho với rau ghém ấy vậy mà ấm cúng và ngon miệng vô cùng. Tôi vẫn nhớ hoài những đêm trăng tỏ, nhìn ánh trăng treo nghiêng trên những ngọn dừa, gió xào xạt đưa trong tiếng cười chờ, nói nói giòn dã, sao bình yên quá đỗi.

Thuở đó, tụi con nít bọn tôi mê tít cái mùi khói thơm nồng từ gian bếp sau nhà quyện theo cái mùi đường, mùi trái cây làm nên những thứ mứt đặc trưng của Tết quê. Sau này, theo sự phát triển của xã hội, các món mứt cũng trở nên đa dạng hơn nhưng ngoại luôn giữ gìn những món mứt truyền thống của người miền Tây. Ngoại từng nói: “Năm nào giáp Tết tao cũng mần mứt trước để cúng ông bà, sau là cho con cháu dùng. Chừng nào Ngoại còn thì Tết không bao giờ phai”.

Nhớ mùi hăng hắc dưa kiệu Ngoại mần

Càng cận tết, cái rộn ràng của Tết quê lại càng rõ nét hơn. Tuy nhiên, có lẽ với một năm quá nhiều biến động và mất mát nên quê hương tôi nói riêng, cả nước nói chung, sẽ cùng đón một cái Tết khá đặc biệt. Đặc biệt, vì dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế, tâm lý của người dân nên cái không khí nhộn nhịp, rộn ràng sẽ nhẹ nhàng hơn.

Hôm nọ, tôi cỡi chiếc xe điện 3 bánh đi tiêm vắc xin. Vẫn là con đường ấy, ngày trước đi ngang là thấy nhiều nhà bày củ kiệu ra phơi trước sân. Năm nay, tôi đảo mắt tìm hoài không thấy cái mùi hăng hắc người quê tôi làm dưa kiệu. Thoáng chốc, trong tiềm thức lại mang tôi về với mùi hăng hắc dưa kiệu ngoại mần khi xưa.

Tôi nhớ, kiệu khi mua ngoài chợ về Ngoại sẽ ngâm qua đêm với nước hòa tro bếp. Sáng hôm sau, Ngoại, mẹ và mấy dì ngồi xúm xít bên mớ kiệu để cắt rễ, bóc lớp áo ngoài. Tỉ mẫn cả buổi, qua bàn tay của Ngoại và mọi người thì mớ kiệu ngả màu bao quanh củ đã được làm sạch, trắng nõn nà. Sau đó, ngoại đem phơi nắng trên những chiếc xịa được đan bằng tre. Ngày nhỏ tôi thắc mắc, Ngoại bảo phơi kiệu cho héo héo để khi ngâm nó có vị giòn. Giờ lớn lên mới hiểu rằng đôi khi đó là những mẹo vặt trong cách làm kiệu của ông bà truyền nhau.

Tôi nhớ, mỗi bữa cơm ngày Tết, ngoại thường lấy đôi đũa tre gắp một ít kiệu bỏ ra cái đĩa sành nhỏ. Củ kiệu ngoại ngâm tầm hơn tuần chuyển màu vàng nhạt và cũng bớt đi vị hăng nồng. Hương và vị của dưa kiệu khó có thể gọi tên nhưng gần gũi, quyện vào đó là mùi thơm của cơm gạo mới, của nồi thịt kho hột vịt tạo nên những dư vị quê hương mà có đi đâu cũng quyến luyến quay về. Quyến luyến vì ở đó có cả một trời ký ức về mùi dưa kiệu ngoại mần.

Kỳ thực, không khí những ngày giáp Tết nó rất đặc biệt. Đặc biệt vì ở đó không chỉ có mùi khói cay cay của bếp củi, mùi thơm ngọt của các loại mứt, mùi hăng hắt của dưa kiệu mà còn có hình ảnh đại gia đình tôi quây quần, đầy ấp tiếng nói cười rổn rảng của người nhà quê chuẩn bị Tết. 

Tất cả như một thước phim chiếu chậm đã chạm, khắc sâu trong tâm khảm của tôi từ thuở bé. Dù rằng thời gian có bào mòn đi thanh xuân nhưng những hoài niệm những ngày giáp Tết không thể nhạt nhòa. Khắc khoải trong tôi lại thèm và nhớ những dư vị ngày giáp Tết ở quê tôi khi còn Ngoại.

ThS Tâm lý Đặng Hoàng An
(Long An)

Nhang Bảo Trầmhttps://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
🛒 Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
🛒 Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
🛒 Lazada: https://info.baotram.vn/lazada

Mây thong dong
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà
  • BÀI CÙNG MỤC:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!