(MTD) Những ngày Sài Gòn giãn cách xã hội, với nhiều người đó là sự “giam lỏng” bản thân trong một không gian hữu hình nhất định, nhưng với tôi, đây lại là khoảng thời gian mà tôi hoàn toàn được “tự do” về mặt tinh thần. Tôi đã có cơ hội trò chuyện với chính mình, nghiền ngẫm về chân lí của nhân sinh, bắt đầu nhìn nhận mọi việc một cách xác đáng hơn, và tập đón nhận những điều bình-thường-mới.
Cụm từ “bình thường mới” nhớ đâu khoảng một năm đổ về trước nghe sao mà ngồ ngộ. Bây giờ đi đâu về đâu, dù là trên các phương tiện thông tin đại chúng hay ngoài đời thực, khắp nơi đều xuất hiện khẩu hiệu: bình thường mới. Con người ta buộc phải chấp nhận đại dịch như một điều không thể tránh khỏi và cần học cách thích nghi với những biến chuyển khôn lường của hiểm họa toàn cầu.
Covid-19 tuy vẫn luôn là mối đe dọa đem lại những tổn thất vô cùng nặng nề cho nhân loại. Song, trên một khía cạnh nào đó, loài virus nhỏ bé nhưng có sức tàn phá vô cùng khủng khiếp này, lại giúp cho ta có thể thức nhọn giác quan một cách vẹn toàn hơn. Dịch bệnh như cơn bão triền miên quét qua tâm Trái Đất. Nhưng mỗi khi cơn bão đi qua, vạn vật như khoác lên mình lớp áo mới, dẫu cho thiệt hại là điều khó tránh khỏi, nhưng sâu trong trái tim mỗi người, sẽ luôn có một điều gì đó nảy nở, sinh sôi như chồi non nhú lên sau cơn mưa tầm tã.
Tôi đã từng rất ghét mùi cồn sát khuẩn ở các bệnh viện hoặc các trung tâm y tế. Thứ mùi nồng hăng, khó chịu ấy làm tôi cảm thấy bất an. Bệnh viện đối với tôi như lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Tôi sợ hãi với việc phải đối diện với mất mát và đau thương, đặc biệt là giữa người với người. Thứ mùi hương “hóa học” sồng sọc xông vào cánh mũi luôn gợi nhớ cho tôi về những cảm xúc không mấy tích cực. Tôi không rõ liệu rằng có phải tôi thực sự ghét bỏ chúng, hay tôi chỉ đơn giản là quá ám ảnh về chúng đến nỗi sinh ra cảm giác ghê sợ, tránh né. Đã rất nhiều lần, tôi trốn tránh việc phải đến bệnh viện thăm khám chỉ vì lí do này. Ấy vậy mà chẳng thể ngờ, cũng có lúc, trong lòng tôi bất chợt nảy sinh cảm giác an tâm, nhẹ nhõm khi ngửi thấy chúng. Đại dịch đã làm thay đổi một điều gì đó trong tôi mà mãi sau này, khi cuộc sống đã dần dần đi vào trạng thái bình thường, tôi mới chợt ngộ ra.
Không biết tự khi nào, mùi cồn y tế đối với tôi lại trở thành một thứ mùi hương không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Nếu ví virus Corona như lũ giặc ngoại xâm, thì cồn sát khuẩn lại là thành trì kiên cố được dựng lên để bảo vệ con người. Bất kể đi đâu, làm gì, dù ở nhà hay trên hè phố, đâu đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp sự xuất hiện của lọ cồn, chai xịt khuẩn. Chúng dần dần trở thành một vật tất yếu trong cuộc sống của con người kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tôi từ một kẻ không thể chịu nổi cái mùi sạch sẽ đến ong cả đầu ấy lại bắt đầu trở nên phụ thuộc vào chúng. Thứ dung dịch trong suốt đó không chỉ giúp tôi bảo vệ bản thân tránh khỏi sự xâm nhập của virus mà còn đảm bảo an nguy cho mọi người xung quanh, đặc biệt là với những người mà tôi yêu thương. Đôi khi, tôi cảm thấy sự hiện diện của chúng có thể tạm thời thanh tẩy đi những lo âu của nhân loại về sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão mang tên Covid-19. Sự tồn tại ấy là hình ảnh đối chọi lại với dịch bệnh, như bàn tay ấm áp kéo ta quay về trước cánh cửa tử thần đang rộng mở. Bây giờ, tôi đã hiểu vì sao bệnh viện lại luôn nồng nặc mùi cồn, mùi của “sự sống”.
Trong ba tháng Sài Gòn giãn cách toàn thành phố, tôi không may bị Covid “gọi tên”, “điểm mặt”. Vì sức khỏe chung của toàn gia đình, tôi buộc phải tạm rời xa mái ấm của mình để thu dọn đồ đạc đến khu cách ly tại bệnh viện dã chiến. Mười lăm ngày âm thầm chiến đấu với từng cơn nóng sốt, đợt ho khan, đã giúp tôi hiểu ra được nhiều điều. Đều đặn một ngày ba lần, sẽ có nhân viên đến xịt cồn khử khuẩn khắp bệnh viện. Mùi cồn là thứ mùi đặc trưng của nơi đây, qua đại dịch Covid này lại càng trở nên đậm đặc hơn. Có lần, vào một sáng bệnh viện đang tiến hành khử khuẩn, thấy tôi ngồi co ro và dường như đang bị mùi hương ấy làm cho xay xẩm mặt mày, chị y tá bước đến bên tôi, nhẹ nhàng hỏi: “Em không quen với mùi cồn khử khuẩn đúng không?”. Tôi cười, đáp lại: “Dạ vâng. Không hiểu sao mùi hương này làm em thấy áp lực và lo sợ lắm chị à”. Chị nhìn tôi một lúc lâu rồi ôn tồn nói: “Vậy mà với tụi chị, thứ mùi ấy lại là động lực giúp chị không gục ngã trước trận chiến này”.
Hình bóng chị dần khuất xa nơi hành lang bệnh viện, nhưng thứ ánh sáng rực rỡ tỏa ra từ giọng nói êm đềm của chị đã soi sáng tâm hồn tôi tận cả những ngày tháng sau này. Hơn hai năm bùng phát dịch bệnh, ngành y tế luôn ngày đêm phải chịu sức ép khủng khiếp của căn bệnh quái ác này. Bệnh viện thì quá tải, nguồn nhân lực y tế thì không đủ để đáp ứng, vật dụng chữa bệnh, thuốc men vì cầu lớn hơn cung đã gây ra hiện tượng khan hiếm như thiếu ô xy, máy thở… Tất cả áp lực của nhân loại đang ghì nặng lên đôi vai của những vị bác sĩ, y tá… Có lẽ, trong những giờ phút chiến đấu oanh liệt ấy, sự xuất hiện của thứ hương liệu y tế này vừa đóng vai trò như một tấm khiêng che chắn, bảo vệ mạng sống của họ, vừa là người bạn đồng hành cùng họ trong suốt một chặng đường đầy gian lao, vất vả mang đến sự sống cho con người.
Quả thật không ngoa khi ví mùi hương này như mùi của sự sống, mùi của sự cứu rỗi, mùi của niềm tin và hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn sau đại dịch.
Tôi không dám tự tin cho rằng mình đã trưởng thành và mạnh mẽ hơn sau tất cả những gì mà đại dịch Covid-19 mang lại. Nhưng tôi có thể cam đoan một điều, dịch bệnh đã giúp tôi dũng cảm học cách đối diện với những góc khuất sâu bên trong chính bản thân mình. Ta lo sợ một điều gì đó chỉ đơn giản là bởi vì ta ngại phải chấp nhận sự tổn thương, ngại đối diện với mất mát, thất bại. Thế nhưng, không đi qua những ngày mưa, sao có thể học cách trân trọng những ngày nắng? Và không trải qua những khó khăn trong đời, làm sao ta có thể trưởng thành? Có lẽ trong suốt khoảng thời gian sau này, mùi cồn y tế sẽ trở thành mùi hương khó quên trong cuộc đời tôi.
Đã lâu lắm rồi, tôi mới hiểu được giá trị đích thực của sự sống khi đặt cạnh những hiểm nguy, thách thức của dịch bệnh. Một ngày nào đó không xa, tôi tin rằng thế giới sẽ không còn phải hứng chịu những bi kịch đến từ Covid-19, nhưng đây sẽ là một trong những cột mốc quan trọng trong lịch sử loài người. Ta không phủ nhận những mặt tiêu cực chúng mang lại, nhưng bên cạnh đó, còn có cả lòng dũng cảm, sự cống hiến hết mình, niềm tin và những ước mơ cao đẹp đã được nhân loại đã gửi gắm vào trong thời khắc sinh tử này.
Trần Thị Trúc Quỳnh
(Q.6, TP.HCM)
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC:
- Hương quê…
- Hanh hao mùi Tết
- Khói ơi…
- Khoảng trống giữa trời
- Má đợi con về
- Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng
- Mùi chùa quê
- Mùi khói tết của mẹ
- Mùi trà – vị đạo hương quê
- Mùi vạn thọ
- Mứt gừng – vị cay cay, mùi thơm ngát
- Nghe mùi thơm bông lúa chợt nhớ mái trường xưa
- Mùi tết quê ngoại
- Mùi pháo Tết chỉ còn là hoài niệm
- Mùi của mùa sinh khởi
- Cảm xúc xuân
- Có tật có tài
- Viết về một vùng trời tím những đợi mong
- Nhớ mùi hương bánh tổ quê ngoại
- Mùi Tết của Thạc sĩ Tâm lý
- Còn thương rơm rạ đồng chiều
- Nhớ thương cái ngọn khói tràm
- Nước mắt cây dó bầu
- Làm sao về được mùa đông*
- Ấm nồng hương vị tinh khôi
- Về miền thương nhớ
- Rưng rức hương trầm
- Nhớ mùi hoa xoan bên bờ ao vắng
- Ước gì gói một làn hương
- Ông nội
- Ánh sáng ngọn đèn dầu
- Nhớ ba những đêm mưa đánh cá
- Thương nhớ mùi chao
- Mùi nhang trầm ngày cuối năm
- Hương của núi rừng
- Mùi rơm
- Mùi của mẹ
- Hương bưởi nhớ ngoại
- Những ngày còn Ngoại
- Nhớ ba gửi khói hương