(MTD) Chiều. Chiều rồi. Tôi thầm thì gọi “mẹ ơi”, nhưng mẹ chẳng thể trả lời. Hay mẹ đã trả lời mà tôi ngốc nghếch không nghe tiếng?
Ấy là khi tôi ngồi lặng bên vạt cỏ, thăm mộ mẹ chiều ba mươi Tết. Nghe chiều đi chầm chậm qua tim, nghe gió bấc sắt se trên những vạt rêu loang lổ quanh thân mộ.
Nhớ mẹ. Tôi nôn nao nhớ những buổi chiều, những chiều muộn nhá nhem khi nhà ai trong xóm đã lên đèn, khi khói bếp vờn quanh là là mái bếp, rồi nhẹ nhàng lơ lửng bay lên.
Khi đó tôi chỉ là một đứa trẻ chừng tám, chín tuổi. Tôi hay lẽo đẽo theo mẹ ra đồng. Mẹ làm gì tôi cũng làm theo. Có khi lúi húi cấy lúa trên thửa ruộng mênh mông trắng nước, đôi chân lạnh cóng. Gió bấc rít qua bần bật vai gầy. Bàn tay tôi bé xíu chỉ cầm nổi vài ba dảnh mạ, nhưng cũng cố tỏ ra người lớn, ôm cây mạ trên tay. Để chỉ lát sau, mỏi trĩu phải vội vàng thả xuống.
Có khi tôi hì hụi vặt cỏ, tỉa đay, vun gốc ngô hay tra đỗ, dỡ khoai cùng mẹ. Tôi không nhớ hết đã làm những gì. Thực tình, tôi cũng đâu làm được bao nhiêu, chỉ thêm thắt cho mẹ bớt cực hơn. Tôi bám theo mẹ còn vì ý nghĩ mẹ xót tôi mà chịu ngừng tay, về sớm hơn một chút.
Và trong bao nhiêu buổi chiều như thế, tôi thực sự khát mong là những mùi chiều. Tôi vụng về không biết gọi tên hay đó là thứ mùi đặc biệt mà tôi chẳng thể thay thế bằng tên gọi khác? Tôi không biết nữa. Chỉ thấy thổn thức trong tim hai tiếng “mùi chiều”.
Đó là cái mùi ngai ngái quen thân, mùi của cỏ cây, bùn đất, mùi côn trùng quện lại, và hình như có cả mùi những giọt mồ hôi đổ xuống đồng chiều. Chúng như co cụm lại, quánh hơn sau một ngày luễnh loang trong nắng gió. Với tôi, thứ mùi ấy như một chiếc đồng hồ. Nó báo hiệu giờ về đã đến, nghỉ tay thôi, chiều đã muộn rồi.
Và lần nào cũng thế, khi mùi chiều dâng lên, xộc vào cánh mũi, tôi khấp khởi mừng vui nghĩ tới bữa cơm tối đợi chờ. Cái bụng dính lại deo dắt đói được dịp mỉm cười dù bữa tối chỉ là bữa cơm rau muống chấm tương, thậm chí cơm độn ngô, khoai với cá kho mặn chát.
Tôi ngó mẹ, ý chừng nhắc muộn rồi, mình về thôi kẻo trễ mẹ ơi. Nhưng mẹ vẫn lụi cụi, lưng áo cánh loang thẫm mồ hôi, nổi lên những chấm mốc xanh đen. Cùng lúc, mẹ cũng quay sang nhắc tôi lên bờ, thu lượm đồ đạc để ra về. Tôi ngồi vẩn vẩn vơ vơ mãi, mà mẹ vẫn lúi húi làm thêm cho tới lúc nhọ mặt người. Bấy cũng là lúc mùi chiều tan loãng, nghe ri ri tiếng của côn trùng…
Mùi chiều chỉ dậy lên chừng đó mà thương mà nhớ suốt ấu thơ.
Mùi chiều có thể chẳng đọng lại trong ai, nhưng với tôi, nó khuấy động nhiều lắm những nỗi niềm. Có nỗi mong mẹ ngừng tay trước khi bóng tối sầm sập đổ. Có niềm thương mẹ cứ nấn ná thêm dù đã cạn ngày. Có cả nỗi hờn trách mẹ lọ mọ, không biết đến nỗi “thèm” về của đứa con thơ sau buổi chiều nhoài mệt. Và chiều đi, đâu thể đợi chờ…
Tôi nhớ mãi một buổi chiều đã muộn, mẹ và tôi cấy lúa trên đồng. Lưng tôi muốn rụng vì quá mỏi. Mùi chiều muộn lại dâng lên nhắc nhớ. Tôi khấp khởi lòng, nghĩ sắp được về. Nhưng còn tới hơn chục đon mạ nữa vẫn ngâm chân trên ruộng. Như mọi lần, mẹ nhắc tôi lên bờ nghỉ trước.
Nhà nhà đã ra về, người người đã quang gánh trên vai, lưng áo nhuộm bùn của họ đã lẫn vào bóng tối. Tôi dáo dác tìm mẹ, khi cái mùi chiều loãng tan từ lâu. Dưới đồng mênh mông trắng nước, mẹ vẫn lúi húi cấy thêm. Bất ngờ, đầu gối mẹ khuỵu xuống, suýt chút nữa mẹ mặt cắm xuống bùn. Buốt lòng, tôi ứa nước mắt, rồi cố trấn tĩnh, réo thật to: “Mẹ! Mẹ ơi!”. Chừng như sực nhớ ra tôi đang đợi trên đầu ruộng, mẹ mới ấn nốt nhúm mạ cuối cùng xuống bùn rồi loạng choạng bước lên…
Đi dọc ấu thơ, mùi bùn đất, mùi chiều xao xác ấy đã thôi thúc một con nhỏ yếu đuối như tôi cất bước ra đi, rời bỏ làng quê nhọc nhằn, oằn oại ven sông mỗi mùa bão lũ.
Tôi lên tỉnh học và cứ xa, xa mãi…
Mùi chiều từng găm vào tim tôi nỗi nhói buốt ngày xưa đã chẳng thể len tới thị thành, chẳng thể bay tới tòa nhà cao ốc, mà thầm thì bên tai tôi hai tiếng “về thôi”…
Nhưng chiều nay, chiều thật muộn màng, ngồi bên mộ mẹ, bất ngờ mùi ngai ngái, nồng nồng, đầm đậm ấy lại dậy lên.
Có phải mùi vị ấy nhắc đứa con vô tâm – bấy lâu vùi mình chốn thị thành – sao nỡ quên những nhọc nhằn đồng bãi, quên dáng mẹ lụi lầm trong bùn đất ngày xưa?
Hay đó là mùi mẹ đang hiện diện để nhắc đứa con xa – đứa con oằn mình trong guồng xoáy áo cơm mỏi mệt, mà mẹ muốn dang tay ôm lấy vỗ về: “Nào, về thôi con, về thôi, phố thị đã lên đèn…”
Dương Châu Giang
(Hưng Yên)
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC:
- Hương quê…
- Hanh hao mùi Tết
- Khói ơi…
- Khoảng trống giữa trời
- Má đợi con về
- Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng
- Mùi chùa quê
- Mùi khói tết của mẹ
- Mùi trà – vị đạo hương quê
- Mùi vạn thọ
- Mứt gừng – vị cay cay, mùi thơm ngát
- Nghe mùi thơm bông lúa chợt nhớ mái trường xưa
- Mùi tết quê ngoại
- Mùi pháo Tết chỉ còn là hoài niệm
- Mùi của mùa sinh khởi
- Cảm xúc xuân
- Có tật có tài
- Viết về một vùng trời tím những đợi mong
- Nhớ mùi hương bánh tổ quê ngoại
- Mùi Tết của Thạc sĩ Tâm lý
- Còn thương rơm rạ đồng chiều
- Nhớ thương cái ngọn khói tràm
- Nước mắt cây dó bầu
- Làm sao về được mùa đông*
- Ấm nồng hương vị tinh khôi
- Về miền thương nhớ
- Rưng rức hương trầm
- Nhớ mùi hoa xoan bên bờ ao vắng
- Ước gì gói một làn hương
- Ông nội
- Ánh sáng ngọn đèn dầu
- Nhớ ba những đêm mưa đánh cá
- Thương nhớ mùi chao
- Mùi nhang trầm ngày cuối năm
- Hương của núi rừng
- Mùi rơm
- Mùi của mẹ
- Hương bưởi nhớ ngoại
- Những ngày còn Ngoại
- Nhớ ba gửi khói hương
- Mùi của sự sống
- Nhớ mùi hương trong lễ hội Lăng Bà Thu Bồn
- Mùi hương nơi cửa thiền
- Bà ơi
- Những que kem