Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Bài viết tham gia dự án sách “Mùi nhớ”: Mùi hương trầm theo cô từng năm tháng

(MTD) Đó là cô Trần Thị Chính (sinh năm 1945, tại thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha mẹ cô đều là cơ sở nuôi giấu cán bộ của ta trong thời kỳ chống Pháp. Giờ đây, ở tuổi 77, trên người đầy vết thương của chiến tranh để lại (cô là thương binh hạng ¼), cô vẫn một mình lặng lẽ sống với nghề buôn bán nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học (gần chợ Hàn, TP.Đà Nẵng) để có tiền làm từ thiện.

Cô Chính cho hay, cha hy sinh, mẹ bị bom Mỹ giết hại, 6 chị em cô lớn lên đều lần lượt theo cách mạng. Năm 16 tuổi, cô đã là một giao liên gan dạ, dũng cảm giữa đất Sài Gòn. Một năm sau, do bị lộ, cô về lại quê hương thôn Đông Đức, xã Điện Thọ (Điện Bàn – Quảng Nam) trong vai một chủ tiệm may nhỏ để tiếp tục hoạt động. Cô thợ may duyên dáng, có nụ cười dịu dàng đã nhanh chóng làm “say hồn lạc phách” biết bao tên lính Mỹ, ngụy say mê, đeo đuổi. Nhờ tài gợi chuyện, nói chuyện có duyên,  cô thu thập được nhiều nguồn tin chính xác về những âm mưu, thủ đoạn mới, những địa điểm sắp đi càn của địch để báo về cho đơn vị.

Nhờ những chiến công thầm lặng ấy, cô được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 18 tuổi. Năm sau, cô một mình dũng cảm chặn cả đoàn xe M113, giải thoát cho 8 cán bộ, du kích bị thương. Đó là thời điểm đầu năm 1964, đội công tác diệt tề về Đông Đức hoạt động, chưa kịp rút thì hay tin địch càn. 22 xe tăng địch dàn hàng ngang ầm ầm lao tới. Cô Chính được phân công bảo vệ 8 thương binh đang ẩn nấp trong vườn mía. Nhưng vườn mía lại nằm ngay trên đường tiến của đoàn xe bọc thép.

Được tin cấp báo, vừa đến nơi, cô Chính đã thấy những “con cua sắt” khổng lồ, hầm hố lừng lững trước mặt. Ngay lập tức, từ bụi mía cô lao ra nằm chặn ngay trước mũi đoàn xe, miệng la lớn: “Các anh ơi, đừng chà mía, chà mía nhà em chết đói mất”. Đoàn xe vẫn không giảm tốc độ. 4m, 3m rồi 2m, chiếc M113 bỗng phanh kít lại cách cô Chính chỉ vài gang tay. Tên sĩ quan ngay cầm ba-toong nhảy xuống, tức tối phang tới tấp vào người cô gái, hỏi: “Cộng sản biểu mi ra chặn xe hử? Không khai mau, tao giết!”. Cô Chính bình tĩnh đáp: “Không ai biểu tui hết. Ba mẹ tui chết cả, mình tui phải nuôi 6 đứa em. Các ông chà mía thì chà tui trước để tui khỏi thấy mấy đứa em tui chết đói”. Đuối lý trước cô thôn nữ cứng cỏi, tên chỉ huy đành cho đoàn xe ngoặt sang hướng khác.

Năm 1965, Mỹ lập căn cứ ngay trên núi Bồ Bồ và cắm chốt ở các vùng phụ cận. Từ đây chúng tập kích vào làng, bắt bớ cán bộ, giết hại đồng bào ta. Chính xung phong dẫn 3 anh Khải, Trọng, Thiệt đi tìm diệt Mỹ. Khi các anh nổ súng, một tên Mỹ lăn qua đám ruộng, cây súng rơi ngay bên cạnh. Nhanh như cắt, cô Chính ào theo, chộp lấy mang về cho du kích. Sau này cô tâm sự: “Lúc ấy mình chỉ nghĩ phải lấy bằng được cây súng để được cấp trên thưởng một chuyến ra Bắc vinh dự thăm Bác Hồ”.

Năm 1966, trong một trận đánh địch ở Điện Hòa, 3 chiến sĩ của ta bị thương nặng. Nhận nhiệm vụ giải cứu thương binh, cô Chính cải trang thành người đi mót củi. Trời nhập nhoạng tối, tại bụi tre lớn, cách chỗ quân ngụy đóng chỉ chừng 50-60 mét, cô phát hiện một người bị thương, máu ra loang lổ. Cô Chính liền kéo anh lên vai, lợi dụng chiều cao của bờ ruộng che tầm mắt địch, trườn tới bờ sông La Thọ để du kích đưa qua sông. Xong việc cô Chính trở lại, tiếp tục dìu 2 đồng chí nữa đến nơi an toàn.

Chuyện “Tay không bắt sống giặc Mỹ” là chuyện làm cô Chính vui nhất. Khoảng giữa năm 1967, tại Đông Đức, có một tốp lính Mỹ thường xuyên phục kích, đánh hơi, khui nhiều hầm bí mật, bắn chết nhiều cán bộ của ta từ căn cứ và các vùng phụ cận về hoạt động.cô Chính căm giận  lắm, cô nung nấu tìm cách trả thù. Sáng hôm ấy, được cơ sở (cách nhà gần 100 mét) nói vọng sang: “Bớ chị Tư, kêu “con Chính” bắt con gà trống trả tui!”. Biết có lính Mỹ đang mai phục, cô Chính diện thật đẹp; sang chơi. Nhờ biết giao tiếp bằng tiếng Anh lõm bõm cộng với những cái liếc mắt tình tứ, cô đã làm một tên lính Mỹ say mê. Khi được người đẹp ngỏ ý mời về nhà chơi, hắn hối hả theo ngay. Và cô Chính đã dẫn hắn đến điểm du kích ta mai phục cách đó chừng 200 mét…

Sau ngày giải phóng, tổ chức MIA tìm hài cốt lính Mỹ ở Việt Nam hẹn gặp cô Chính tại Khách sạn Đà Nẵng. Cô Chính kể lại: “Vừa bước chân vào phòng đã thấy lố nhố nhiều người Mỹ to cao, trong đó có 2 người da đen, hàm răng trắng bóc chĩa đèn và máy quay vào mình, lúc này tôi hơi run. Thấy thế, một người Mỹ hỏi ngay: “Sao cô run thế?”. Câu hỏi làm tôi trấn tĩnh lại: “Tôi run vì giận các ông. Các ông được ăn học tử tế sao không làm kỹ sư, bác sĩ phụng sự tổ quốc mình mà lại sang Việt Nam, một đất nước xa xôi nghìn dặm, xả súng bắn chết người vô tội, không thù không oán gì với các ông?”. Nghe thế, các thành viên tổ chức MIA “ xúc động” không ai nói được lời nào.

Năm nay, cô Chính đã 77 tuổi, sống một mình trong căn nhà nhỏ do Nhà nước cấp ở số 10 trên đường Nguyễn Thái Học (Đà Nẵng), hưởng chế độ thương binh 1/4 có người chăm sóc, song cô vẫn quyết tâm vượt lên thương tật để giúp đỡ đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống đời thường. Tin vui đến với cô, năm 2010, cô được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những năm qua, cô Chính dành một phần 1/3 lương hưu và những đồng tiền ít ỏi có được từ buôn bán hàng ngày để làm từ thiện. Không chỉ giúp đỡ tiền, áo quần, đồ dùng học tập cho những học sinh nghèo, đóng góp quỹ tổ chức Nồi cháo tình thương tại các bệnh viện ở Đà Nẵng, cô còn lặn lội đến những vùng quê nghèo xa xôi ở Hiệp Đức, Đông Giang… (Quảng Nam); Hoà Phú (Hoà Vang – Đà Nẵng), Kon Tum… để giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó khăn, cơ nhỡ.

Thời chiến, cô hi sinh cả tuổi thanh xuân và một phần thân thể để bảo vệ quê hương, bây giờ người nữ thương binh này với tấm lòng nhân hậu của mình góp phần xoa dịu nỗi bất hạnh của những mảnh đời cơ nhỡ, nghèo khó ở những vùng sâu, vùng xa. Cô thường căn dặn lớp trẻ phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương.

Điều khá đặc biệt, dẫu trong người mang nhiều thương tích, ốm đau, tàn tật là thế nhưng cô cũng cố gắng tham gia những chuyến cứu trợ hay khám bệnh từ thiện nào đến những bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng chiến khu cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà những người quen của cô tổ chức. Những năm qua, bản thân tôi cũng có nhiều dịp đi cùng cô làm công tác từ thiện đến Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam…

Vừa qua, cô Chính khoe với tôi là vừa thực hiện xong ước mơ đi thắp hương dọc các nghĩa trang liệt sỹ ở các địa phương vùng Trung bộ từ Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn cho đến các nghĩa trang vùng cao nguyên hay duyên hải miền Trung. Cho nên, khi gặp cô, lúc nào cũng nghe mùi hương trầm thơm phảng phất, đó là mùi hương yêu nước thương nòi, yêu thương đồng đội mà cô đã đi thắp cho các đồng đội mới vừa về nên còn vấn vương, phảng phất mùi hương trầm thơm lừng trên bộ quân phục màu xanh cũ kỹ và mái tóc muối tiêu của cô./.

Tâm Nguyễn

(Đà Nẵng)

Nhang Bảo Trầmhttps://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
🛒 Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
🛒 Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
🛒 Lazada: https://info.baotram.vn/lazada

Mây thong dong
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà
  • BÀI CÙNG MỤC:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!